UBND Nghĩa Phong

Tin tức đạt chuẩn nông thôn mới

Kỳ tích Nam Định: Đã có 5/10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Đăng ngày:

ông bố 4 huyện đạt chuẩn NTM

Sáng nay (21/4), Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận các huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy đạt chuẩn nông thôn mới được tổ chức long trọng tại tỉnh Nam Định.

Sự kiện quan trọng này có sự tham dự của đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường – Uỷ viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; Đoàn Hồng Phong – Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định; Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định… cùng đại diện các sở, ban, ngành Trung ương và địa phương; đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã có 5/10 huyện đạt chuẩn NTM. Đó là sản phẩm hội tụ tinh hoa của ý Đảng, lòng dân. Đòn bẩy của mọi phong trào chính là phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”; thực hiện và phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”.

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định báo cáo kết quả xây dựng NTM giai đoạn  (2013 – 2018)

Mặc dù không phải là địa phương có nguồn thu ngân sách lớn, nhưng tỉnh Nam Định không trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước. Cùng với nguồn lực xã hội hóa, các cấp, các ngành đã tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới nhiều hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện tốt hơn điều kiện sống và làm việc của người dân, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt.

Ở Nam Định, không có công thức chung trong xây dựng NTM. Mỗi địa phương phải chủ động sáng tạo để khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù của mình để tiến về đích. Trong phát triển kinh tế nông thôn, đã có nhiều mô hình tạo điểm nhấn đáng chú ý.

Ví như ở huyện Nghĩa Hưng, có mô hình nuôi cá bống bớp với diện tích 370 ha; phát triển chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ cây dược liệu của Công ty Hoa Thiên Phú với diện tích 27,5 ha...

Tại huyện Trực Ninh, đã xây dựng 23 mô hình cánh đồng lớn, với quy mô mỗi cánh đồng từ 30-50ha sản xuất giống lúa, lúa chất lượng cao; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản của Công ty TNHH Cường Tân, với quy mô 350 ha; cá Mú 480 ha;  sản xuất rau, củ quả sạch của Công ty cổ phần rau quả sạch Ngọc Anh...

Tại huyện Xuân Trường đã thu hút rất tốt các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao: Sản xuất rau quả sạch, an toàn với quy mô 140ha của Công ty VinEco...;

Còn Tại huyện Giao Thủy có gần 200 trang trại nuôi trồng thủy sản với các con nuôi có giá trị kinh tế cao và 52 cơ sở sản xuất giống thủy sản cung cấp giống thủy sản cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tặng hoa chúc mừng Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Định có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Xây dựng bản sắc NTM

Ông Sái Hồng Thanh – Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng chia sẻ: Qua phong trào xây dựng NTM, ý thức vì cộng đồng của người dân được nâng cao rõ rệt. Nghĩa Hưng là huyện đi đầu trong vận động các hộ dân tự nguyện hiến đất nông nghiệp, đất thổ để xây dựng các công trình phúc lợi... Nhân dân trong huyện đã tự nguyện hiến, góp 266 ha đất để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, xây dựng kênh mương, các công trình phúc lợi.

Bức tranh làng quê yên bình tại Nam Định

Còn theo ông Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh đã chọn công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện thành công. Sau dồn điền đổi thửa, số thửa bình quân từ 3,51 thửa/hộ xuống còn 1,82 thửa/hộ. Qua công tác dồn điền, đổi thửa đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với 23 cánh đồng lớn, với quy mô mỗi cánh đồng có diện tích từ 30-50 ha đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; người dân đã hiến, góp trên 320 ha đất nông nghiệp (tương đương 640 tỷ đồng) để xây dựng các công trình phúc lợi...

Tại huyện Xuân Trường, đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, lượng rác thải ngày càng nhiều, gây quá tải cho các bãi chôn lấp dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trước thực trạng trên huyện Xuân Trường đã khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện cho một doanh nghiệp xây dựng công viên bãi rác tại thị trấn Xuân Trường.

Sau quá trình xử lý, rác được đem chôn lấp tại bãi rác và sử dụng mặt bằng bãi rác để trồng cây, lắp đặt các dụng cụ thể thao tạo thành công viên xanh rộng 1,6 ha. Với hệ thống xử lý rác khép kín từ khâu thu gom, phân loại, xử lý và tái chế các loại chất thải sinh hoạt, công suất xử lý 20 – 25 tấn rác/ngày. Mô hình này đã giải quyết bài toán về môi trường, tiết kiệm đất đai, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường và nơi sinh hoạt, tập thể dục, thể thao của nhân dân.

Cũng là xây dựng NTM, nhưng ở huyện Giao Thủy, mô hình Hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng được quan tâm đầu tư phát triển.

Với sự hợp tác, phối hợp của huyện Giao Thủy với Vườn Quốc gia Xuân Thủy và Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), năm 2010, HTX du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân được thành lập với 21 thành viên nòng cốt là các hộ gia đình tham gia cung cấp dịch vụ du lịch tại địa phương bao gồm các hộ nhà nghỉ, nhóm hướng dẫn viên, nhóm văn nghệ,… Trung bình mỗi năm thu hút trên 25.000 lượt khách trong nước và quốc tế tới thăm quan, doanh thu trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại các xã vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Đến nay mô hình này đang được nhân rộng ra các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Hải tạo thành mạng lưới cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Bảo tàng Đồng Quê là mô hình bảo tàng tư nhân đầu tiên của tỉnh Nam Định. Qua 5 năm hoạt động, Bảo tàng Đồng Quê đã trở thành một địa chỉ tham quan bổ ích cho du khách trong nước và nước ngoài muốn được trải nghiệm, tìm hiểu về cội nguồn văn hóa dân tộc, văn hóa lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của cả hệ thống chính trị tỉnh Nam Định trong xây dựng NTM. Ông cũng cho rằng, thành quả mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, Xuân Trường, Trực Ninh có được ngày hôm nay là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, các địa phương cần coi xây dựng NTM là nhiệm vụ vô thời hạn, phải không ngừng củng cố, nâng cao các tiêu chí để góp phần tô đẹp bức tranh nông thôn ngày càng rực rỡ, đời sống nhân dân ngày càng ấm no.

Bình luận